Bộ chế tác Xà cừ thời Nguyễn (1802 – 1945)

1: Tủ đồ.
2: Hộp đựng thực phẩm khô.
3: Khay trà.

00:00
00:00

Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của Việt Nam. Từ xưa, nghề này đã khá phát triển nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào từ vị trí địa lý Việt Nam – một quốc gia trải dài theo bờ biển. Làng nghề Chuôn Ngọ, phía nam Hà Nội, được xem là cái nôi của nghề khảm xà cừ Việt Nam. Trước đây, hầu hết các sản phẩm khảm trai chỉ dành riêng cho triều đình và tầng lớp quan lại, nhà giàu.

Nghề khảm ở Việt Nam đã được nhắc đến trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5, thời kỳ Bắc thuộc. Tổ nghề cẩn xà cừ vùng Hà Nội là Trương Công Thành, sống dưới triều Lý (1009-1225). Ông từng tham gia đội quân của Lý Thường Kiệt và sau khi rời quân ngũ, đã nghiên cứu, tìm hiểu nghề khảm xà cừ.

Sang thời Trần (1226-1400), nghề khảm vỏ ốc trở nên rất điêu luyện và phát triển mạnh. Đến triều Nguyễn, nghệ thuật cẩn khảm ốc được hoàng gia, quan lại đánh giá cao và ưa chuộng. Đây cũng là giai đoạn nghề này phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Ngày nay, các sản phẩm khảm xà cừ đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Quy trình chế tác các sản phẩm khảm xà cừ gồm nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu: đầu tiên phải vẽ mẫu tranh, sau đó chẻ vỏ ốc thành từng mảnh rồi rọc theo thớ. Ngâm vỏ ốc đã cắt xong trong nước rồi hơ đèn nóng uốn phẳng vỏ ốc vốn cong. Điêu khắc gỗ theo hình dạng đã định trên mặt vật dụng, sau đó dùng sơn ta để gắn các mảnh vỏ ốc rồi mài bề mặt sau khi gắn xong. Cuối cùng phủ một lớp vôi bột lên bề mặt đã mịn rồi đánh bóng bằng lá ngái và xoa bột gạo lên thành phẩm.

Về đề tài trang trí, các sản phẩm khảm xà cừ thường mô tả các danh lam thắng cảnh và điển tích của Việt Nam.