Về pháo binh thời nhà Nguyễn, cỡ lớn là súng đại bác, súng thần công; cỡ nhỏ là súng hỏa mai. Ngoài ra còn có các loại vũ khí truyền thống khác như giáo, mác, kiếm, cung tên,…
Trong thời kỳ độc lập (1802 – 1883), quân đội nhà Nguyễn khá phát triển ở giai đoạn đầu. Nhiều đơn vị được trang bị những loại vũ khí hiện đại như ống phun lửa, quả nổ, súng điều sang, pháo (súng thần cơ, thần công thiết bác). Dưới triều Minh Mạng, mỗi vệ (từ 500-600 lính) có tới 2 khẩu thần công và 200 khẩu thạch cơ điểu thương, tỷ lệ 4 tay súng cho mỗi 10 lính. Tuy nhiên, sang triều Tự Đức, trang bị đã suy giảm nghiêm trọng; mỗi đội (50 lính) chỉ có 5 khẩu điều thương, tỷ lệ rút xuống còn 1 tay súng cho 10 lính.
Về thủy binh, theo ghi chép trong Đại Nam Thực Lục của Viện Sử Học:
- Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) ghi: “Mua của Tây Dương 3 tàu chiến chạy bằng hơi nước, đặt tên: Chiếc lớn tên Yên Phi; tàu trung bình tên Vân Phi; tàu nhỏ gọi là Vũ Phi.”
- Năm Tự Đức thứ 18 (1865) ghi: “Mua thêm tàu lớn bọc đồng chạy bằng hơi nước, đặt tên Thuận Tiệp; 2 tầng, 1 ống khói, 2 cột buồm; dài 9 trượng 3 thước 6 tấc; ngang 1 trượng 6 thước; sâu 8 thước 3 tấc. Vũ khí theo tàu gồm: 6 khẩu đại bác, 15 khẩu điều sang, 5 khẩu mã sang và 8 phòng ổ chở được 60 vạn cân; thân tàu có khắc chữ ‘sản xuất năm 1864’. Giá mua 134.300 đồng bạc (bao gồm giá tàu, thuê thủy thủ, than, củi, vật liệu, phụ tùng).”
Dù rất quyết tâm đầu tư mua sắm vũ khí hiện đại của phương Tây dưới triều Minh Mạng, Tự Đức, song điều này đã quá muộn so với việc đất nước bị quân Pháp tấn công và đô hộ. Bên cạnh đó, kinh tế triều Nguyễn thời Tự Đức suy thoái kiệt quệ cũng là nguyên nhân khiến quân đội lúc bấy giờ yếu kém, trang bị lạc hậu so với các nước khác, huấn luyện kém cỏi và không được triều đình quan tâm đúng mức. Quân đội nhà Nguyễn trong giai đoạn này đã bị quân Pháp đánh bại và để đất nước rơi vào sự đô hộ của thực dân Pháp.
Viện Sử Học. Đại nam thực lục. Quyển 15
Viện Sử Học. Đại nam thực lục. Quyển 33